
Trẻ tự kỷ, rối loạn phát triển đánh bạn phải làm sao? Đây là câu hỏi khiến nhiều cha mẹ, thầy cô và người chăm sóc cảm thấy lo lắng, hoang mang, đặc biệt khi không hiểu rõ nguyên nhân đằng sau hành vi gây hấn của trẻ.
Với những trẻ tự kỷ hoặc mắc rối loạn phát triển, hành vi đánh bạn thường không bắt nguồn từ sự cố ý hay bướng bỉnh, mà có thể là một hình thức "giao tiếp" – cách duy nhất để trẻ thể hiện cảm xúc hoặc nhu cầu khi khả năng ngôn ngữ còn hạn chế.
Vậy làm thế nào để xử lý tình huống này đúng cách, vừa bảo vệ an toàn cho các bạn khác, vừa giúp trẻ học cách kiểm soát cảm xúc?
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn nguyên nhân vì sao trẻ lại đánh bạn và đưa ra các phương pháp can thiệp, phòng tránh hiệu quả, phù hợp với đặc điểm phát triển của trẻ.
>>> Tham khảo thêm: Những hành vi bất thường của trẻ rối loạn phát triển
I. Tại sao trẻ lại đánh bạn?
Có những trẻ mắc chứng rối loạn phát triển có các hành vi gây hại tới người khác, như sử dụng hành động bạo lực hay lời nói xúc phạm. Tuy nhiên, chúng ta cần phải hiểu rằng không phải những đứa trẻ đó cố tình hay cảm thấy thích thú khi có hành vi gây hấn như thế.
Luôn có lý do nào đó đằng sau những hành vi bạo lực của trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ độ tuổi tiểu học. Có những trẻ “muốn bày tỏ điều gì đó, nhưng lại chưa có đủ khả năng để diễn đạt bằng lời”, vì vậy trẻ dùng đến bạo lực để thể hiện bản thân.
Những đứa trẻ này thường không có khả năng biểu đạt cảm xúc hay mong muốn của mình bằng lời nói. Trẻ em hoặc có khi trẻ sẽ không trả lời gì mà chỉ im lặng.
Trẻ đánh bạn thường là do không biết biểu đạt cảm xúc hay mong muốn bằng lời nói
Điều này chứng tỏ rằng trẻ chưa phát triển đủ khả năng để biểu đạt cảm xúc, suy nghĩ hoặc mong muốn của mình bằng lời nói. Vì không thể sử dụng ngôn từ để diễn đạt, trẻ buộc phải thể hiện cảm xúc và mong muốn của mình qua hành động, và hướng hành động này có thiên hướng bạo lực.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng cho đến năm 6 tuổi, một đứa trẻ phát triển bình thường có thể tiếp thu được tới 2400 danh từ, 3900 từ vựng (tiếng Nhật). Tuy nhiên, không phải trẻ mắc chứng rối loạn phát triển nào cũng đạt được số lượng từ vựng tương tự.
Với từ vựng của trẻ (đặc biệt là những trẻ rối loạn phát triển) lại càng hạn chế hơn.
Khi trẻ có điều muốn nói, điều muốn từ chối hoặc muốn yêu cầu mà không thể diễn đạt được, thì bạo lực có thể trở thành “cách giao tiếp” của trẻ.
Nói cách khác, hành vi gây hại chính là cách mà trẻ thể hiện cảm xúc và gửi gắm thông điệp của mình. Việc lý giải và thấu hiểu rằng hành vi bạo lực này giống như một hình thức gửi gắm thông điệp của trẻ sẽ là bước đầu tiên để giải quyết vấn đề bạo lực ở trẻ em.
II. Khi trẻ tự kỷ, rối loạn phát triển đánh bạn phải làm sao?
1. Ngăn chặn mà không tiếp xúc vật lý.
Khi trẻ mắc chứng rối loạn phát triển có hành vi bạo lực với người khác, điều đầu tiên người lớn cần làm là:
“Can thiệp hành vi bạo lực của trẻ.”
Khi trẻ tự kỷ đánh bạn, việc đầu tiên là phải can thiệp để ngăn cản hành vi này của trẻ
Trong thực tế, khi người lớn can thiệp để ngăn hành vi bạo lực, nhiều người có xu hướng “dùng sức mạnh” (như kẹp chặt trẻ từ phía sau hoặc nắm tay và tiếp xúc với cơ thể của trẻ) để ngăn cản hành động đó tiếp diễn.
Tuy nhiên, chúng ta cần hạn chế tối đa việc ôm ghì hoặc giữ tay, chân trẻ từ phía sau, vì điều này có thể khiến trẻ thêm kích động.
Cần hạn chế tối đa việc ôm gì hoặc giữ tay, chân trẻ từ phía sau
Cách tiếp cận đúng đắn là người lớn đứng đối diện với trẻ, sau đó can thiệp bằng cách tạo khoảng cách giữa trẻ và những người còn lại.
Sau đó, dang rộng hai tay và từ từ tiến lại gần trẻ, vừa đi vừa trấn an tinh thần trẻ: “Bình tĩnh nào, bình tĩnh nào...”. Lưu ý, tuyệt đối không chạm vào người trẻ. Điều này sẽ giúp em ấy không cảm thấy mình đang bị đe dọa hay bị ép buộc dừng lại.
Phương pháp can thiệp đúng khi trẻ tự kỷ đánh bạn
Khi người lớn tiến đến gần, trẻ có xu hướng lùi lại phía sau, ngay cả khi trẻ vẫn đang trong trạng thái kích động. Hãy tận dụng phản xạ tự nhiên này của trẻ, “người lớn tiến, trẻ lùi về sau”, để can thiệp kịp thời và kiểm soát tình hình.
Sau khi tạo khoảng cách giữa trẻ và nạn nhân, hãy đứng cạnh trẻ, nhẹ nhàng đặt tay lên vai trẻ và đưa em ấy ra một khu vực yên tĩnh hơn, chẳng hạn như một căn phòng trống, để trẻ có thể hạ nhiệt và bình tĩnh lại. Đây là cách thức can thiệp đúng đắn để ngăn ngừa hành vi bạo lực mà không làm gia tăng sự kích động ở trẻ.
Nếu trẻ vẫn chưa thể bình tĩnh lại ngay cả khi đã ở một mình, hãy đưa cho trẻ một vật thay thế để giải tỏa cảm xúc. Hãy chuẩn bị món đồ mà trẻ có thể thoải mái tác động vật lý lên, miễn là vật đó không gây thương tích cho trẻ.
Ví dụ, tôi đã chuẩn bị một hình nộm khổng lồ được bơm hơi, bên dưới gắn một cái đế nặng làm trụ. Vì vậy, khi trẻ giải tỏa cảm xúc, hình nộm sẽ có thể tự bật lại về vị trí ban đầu.
Sau đó, tôi sẽ giải thích cách sử dụng hình nộm với trẻ:
“Con có thể đánh thoải mái hình nộm này nếu con thấy bực bội nhé.”
Cách sử dụng hình nộm này cũng có thể được áp dụng để ngăn ngừa hành vi bạo lực.
Sử dụng hình nộm để trẻ giải tỏa cảm xúc nếu muốn đánh bạn
Trước đây, tôi đã từng phụ trách một em nhỏ thường đánh bạn khi lên cơn hoảng loạn. Sau khi tôi mang hình nộm cho đến: “Con cứ đánh nó thoải mái nhé”, tần suất em ấy đánh bạn đã giảm đi đáng kể. Có lẽ phương pháp này đã phát huy tác dụng của nó, giúp trẻ giải tỏa bớt sự bực tức và kiểm soát hành vi hiệu quả.
2. Áp dụng “Phương pháp chuyện của người khác”
Khi thấy trẻ có hành vi bạo lực, người lớn thường cũng dễ bị kích động theo. Vì vậy, sau khi đưa trẻ đến nơi yên tĩnh, nhiều người lớn sẽ lập tức la mắng trẻ, chẳng hạn như “Con không được đánh bạn!”. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng việc nói bất cứ điều gì ngay “sau khi” trẻ có hành vi gây hại đều sẽ không hiệu quả. Lúc này, trẻ vẫn còn đang bị kích động, não bộ chưa thể tiếp thu được lời nói của người lớn.
Trước hết, hãy để trẻ bình tĩnh lại. Có những trẻ cần đến hơn một tiếng để bình tĩnh lại hoàn toàn, nhưng điều quan trọng là người lớn phải “kiên nhẫn chờ đợi” cho đến lúc đó (Bạn cần xác nhận rằng trẻ đã thực sự bình tĩnh.
Sau khi trẻ bình tĩnh lại, chúng ta có thể sử dụng phương pháp “chuyện của người khác”.
Đặc trưng của phương pháp này nằm ở câu nói: “Có thể câu chuyện này không liên quan gì đến con, nhưng...”. Phương pháp này rất hữu ích đối với những trẻ không chịu nghe lời người lớn.
"Phương pháp chuyện của người khác" áp dụng khi trẻ tự kỷ đánh bạn
Nếu đứa trẻ có hành vi bạo lực nhưng ngày thường vẫn ngoan ngoãn, nghe lời, thì bạn có thể áp dụng cách nói trong hình minh họa bên trái, nhẹ nhàng khuyến khích trẻ làm điều đúng đắn, ví dụ: “Vậy con muốn làm gì?” Tùy vào tính cách của trẻ, đôi khi việc thúc đẩy trẻ thực hiện hành động nào đó sẽ mang lại tác dụng hiệu quả hơn.
3. Trang bị cho con kỹ năng “tìm kiếm sự trợ giúp”
Trẻ thường đang ở trong trạng thái kích động vượt mức kiểm soát, dẫn đến phát sinh hành vi bạo lực. Dù người lớn có cấm đoán và bắt con hứa “không được làm vậy nữa”, lời hứa đó cũng sẽ nhanh chóng bị bỏ quên, vì khi nào bộ trẻ chịu quá nhiều kích thích sẽ không đủ tỉnh táo để ghi nhớ hay bảo đảm trẻ sẽ có thể thực hiện đúng như lời đã hứa.
Thay vì ép buộc trẻ hứa, “kỹ năng tìm kiếm sự trợ giúp” sẽ hữu ích hơn rất nhiều.
Hướng dẫn trẻ tìm kiếm sự trợ giúp khi bị kích động để tránh xảy ra tình trạng trẻ đánh bạn
Trẻ rối loạn phát triển thường gặp khó khăn nhưng lại không biết cách diễn đạt bản thân đang cần sự giúp đỡ, vậy nên khi quá bế tắc, trẻ lại tìm đến giải thoát bằng hành vi bạo lực. Nếu trẻ có thể nói với người lớn: “Con đang gặp khó khăn, hãy giúp con với” trước khi mọi chuyện đi quá xa, chắc chắn hành vi bạo lực sẽ không xảy ra. Vì vậy, hãy kiên nhẫn hướng dẫn trẻ:
“Trước khi con giơ tay lên đánh ai đó, hãy tìm đến thầy cô và nói với thầy cô là con đang gặp khó khăn, con đang thấy khó chịu nhé.”
Sau đó, tôi sẽ cho trẻ thực hành vài lần trong tình huống đó để chúng có thể làm quen với việc nhờ sự giúp đỡ.
Tiếp theo, hãy quan sát cuộc sống của trẻ một cách kỹ lưỡng. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu tức giận và sắp sửa có hành động bạo lực, hãy can thiệp kịp thời:
“Có vẻ như con đang khó chịu à. Thầy sẽ giúp con được không. Con có thể nói ‘Thưa thầy, con thấy khó chịu’, ví dụ như thế, được không?”
Khi trẻ thành công thực hiện được, đừng quên khen ngợi trẻ nhé. Thành công ban đầu này giúp trẻ xây dựng sự tự tin và khuyến khích sử dụng kỹ năng “tìm kiếm sự trợ giúp” trong tương lai.
Một số người lớn có thể dùng biện pháp trách mắng hoặc áp đặt hình phạt để ngăn chặn hành vi bạo lực. Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ dựa trên sự sợ hãi, không tạo ra kỹ năng bền vững cho trẻ. Cá nhân tôi khuyến khích phương pháp trên, mang lại hiệu quả rõ rệt hơn rất nhiều các phương pháp cổ truyền.
III. Cách phòng tránh tình trạng đánh bạn của trẻ rối loạn phát triển
1. Cải thiện môi trường xung quanh trẻ
Để ngăn ngừa hành vi gây hại ở trẻ (tức là các hành động bạo lực hoặc có lời lẽ thô bạo đối với người khác), trước tiên chúng ta cần tập trung vào việc cải thiện “môi trường” xung quanh trẻ. Có rất nhiều trường hợp các kích thích mà trẻ tiếp nhận từ môi trường chính là nguyên nhân gây ra các vấn đề về hành vi gây hấn.
Để phòng ngừa các vấn đề về hành vi bạo lực, việc hỗ trợ điều chỉnh môi trường xung quanh vô cùng cần thiết. Chúng ta cũng cần nhớ rằng “môi trường xung quanh” không chỉ bao gồm không gian vật lý như đồ vật, mà còn bao gồm cả con người.
► 3 yếu tố cần tập trung để điều chỉnh môi trường xung quanh trẻ:
+ Điều chỉnh môi trường sinh hoạt
♦ Điều cần được ưu tiên và cải thiện triệt để nhất chính là tạo ra một “môi trường yên tĩnh” cho trẻ.
♦ Lý tưởng nhất, hãy chuẩn bị cho trẻ một căn phòng riêng để trẻ có thể ở một mình và bình tĩnh lại. Tuy nhiên, nếu điều kiện không cho phép, hãy tạo ra một khoảng riêng tư bằng cách bằng rèm cửa hoặc vách ngăn với không gian chung, để trẻ có thể nghỉ ngơi.
♦ Ngoài ra, chúng ta có thể thay đổi chỗ ngồi của trẻ (ngồi gần phía trước), giảm thiểu các vật dụng trang trí, hoặc cố định vị trí đồ vật để giảm bớt kích thích thị giác cũng rất quan trọng.
+ Điều chỉnh môi trường con người
Nói một cách đơn giản, bạn có thể kiểm tra xem trẻ có đang ngồi cạnh những bạn học hay gây gổ, trêu chọc trẻ không. Chúng ta nên chú ý nhiều hơn đến mối quan hệ giữa trẻ với nhau bởi lẽ việc này sẽ giúp bạn phát hiện ra những điều cần cải thiện như:
♦ “Có lẽ mình không nên để A ngồi với em ấy.”
♦ “Em học sinh này rất thân thiện và tốt bụng, nếu ngồi gần nhau thì có thể em ấy sẽ giúp đỡ A.”
Việc có những ý tưởng và thử nghiệm như vậy cũng là một phần quan trọng trong việc hỗ trợ trẻ.
Người lớn còn có thể đóng vai trò là “miếng đệm” giữa những đứa trẻ. Ví dụ, các hành vi gây hấn thường hay xảy ra nhiều nhất trong giờ ra chơi, nghỉ giải lao, nên giáo viên có thể tham gia cùng các em học sinh để kiểm soát tình hình hiệu quả hơn.
Nhiều khi người lớn lại chính là tác nhận tạo ra sự căng thẳng và kích động cho trẻ tự kỷ, rối loạn phát triển
+ Người lớn liệu có phải tác nhân kích thích?
Điều cuối cùng là một điểm mà người lớn chúng ta rất hay bỏ qua. Đó là bản thân người lớn xung quanh cũng có thể là nguyên nhân gây ra các vấn đề về hành vi ở trẻ.
Tôi đã từng gặp trường hợp một đứa trẻ vốn ngoan ngoãn, hòa đồng với thầy cô và bạn bè, bỗng nhiên có những hành vi hung hăng, bạo lực. Sau khi trấn tĩnh trẻ và hỏi chuyện, tôi mới biết được rằng em ấy bị thầy cô mắng:
“Con đã cố gắng hết sức, nhưng lại bị thầy phó hiệu trưởng mắng.”
Trong giờ dọn vệ sinh, em ấy chỉ ngồi nghỉ một chút thôi, nhưng lại bị phó hiệu trưởng bắt gặp và la mắng rất nặng lời.
Khi xung quanh trẻ có những nhân vật quá nghiêm khắc như vậy, sẽ dễ tạo thành cảm giác bất an ở trẻ, khiến trẻ dễ có những hành vi không đúng mực.
Vì vậy, hãy tự nhìn nhận lại xem chính bản thân và những người xung quanh có hành động nào sau đây hay không, và nếu có, hãy cố gắng điều chỉnh lại sao cho phù hợp nhất:
♦ Nói lớn tiếng.
♦ Lời nói có tính áp bức, đe dọa.
♦ La mắng quá nghiêm khắc.
Các bậc phụ huynh cũng nên xem xét lại môi trường gia đình, liệu có phải là nơi con cái cảm thấy bình yên hay không.
♦ Có không gian yên tĩnh để trẻ có thể thư giãn không?
♦ Mối quan hệ giữa trẻ với anh chị em, hàng xóm như thế nào?
♦ Bản thân cha mẹ và những người lớn khác có phải là tác nhân gây kích thích cho con không?
Nếu có thể xem xét và điều chỉnh những điều này, giúp trẻ cảm thấy an tâm hơn, chúng ta hoàn toàn có thể giảm thiểu các hành vi bạo lực ở trẻ.
2. Nhận diện các yếu tố kích hoạt hành vi bạo lực của trẻ
Đôi khi, có những “điều kiện kích hoạt” nhất định dẫn đến hành vi bạo lực ở trẻ. Ví dụ, tôi đã từng gặp một trường hợp trẻ bị kích động và đánh bạn mỗi khi nghe thấy tiếng chuông báo giờ học. Đối với trẻ này, “tiếng chuông” chính là điều kiện kích hoạt hành vi bạo lực.
Trong cuộc sống hàng ngày, nếu có thể nhận diện được những “điều kiện kích hoạt” này, chúng ta có thể phòng ngừa hành vi gây hại hoặc ngăn chặn các hành vi bạo lực có thể tái diễn.
Cụ thể, khi thấy trẻ có dấu hiệu bực tức hoặc tức giận, hãy xem xét những yếu tố sau trước và sau khi trẻ có biểu hiện đó:
- Đã có điều gì xảy ra hoặc không xảy ra?
- Có yếu tố nào xuất hiện hoặc không xuất hiện?
- Ai đã có mặt hay không có mặt?
- Có âm thanh nào phát ra hoặc không phát ra?
Hãy cố gắng giảm thiểu những nhân tố nguy cơ (yếu tố có thể kích hoạt hành vi bạo lực), đồng thời tăng cường những nhân tố bảo vệ (yếu tố giúp trẻ bình tĩnh). Khi đó, chúng ta sẽ tìm ra cách ngăn chặn sự bực tức, tức giận dẫn đến hành vi gây hại ở trẻ.
Ví dụ, với trường hợp “trẻ bị kích động bởi tiếng chuông”, vấn đề đã được giải quyết bằng cách chuẩn bị bịt tai chống ồn cho trẻ mỗi lần trước khi chuông reo.
3. Chủ động “lên tiếng” ngay cả khi không có gì xảy ra
Đặc biệt với những trẻ có xu hướng bạo lực, hãy chủ động trò chuyện và khen ngợi trẻ trong những tình huống hàng ngày.
⇒ “Khoai Tây bây giờ ngoan quá!”
⇒ “Cảm ơn con đã giúp một tay! Nhờ ơn con hết đó!”
⇒ “Chỉ cần con ngồi ghi chép vào vở cũng đã rất tuyệt vời rồi.”
Đây đều là những lời khen mà trẻ rất cần.
Người lớn thường chỉ phản ứng khi trẻ có hành vi sai trái. Ngược lại, khi không có chuyện gì xảy ra, người lớn sẽ ít khi phản ứng hay chú ý tới trẻ. Nhưng thực ra, cách làm này lại không đúng.
Nếu bạn chỉ phản ứng khi có hành vi sai trái, mà không chú ý đến những lúc trẻ có hành động tốt, thì những hành vi tiêu cực của trẻ sẽ càng trở nên nổi bật hơn trong cuộc sống hàng ngày. Trẻ sẽ cảm thấy chỉ có những khía cạnh xấu của mình được chú ý đến và điều này sẽ làm tổn thương trẻ. Đồng thời, mọi người xung quanh cũng sẽ có ấn tượng đó là một “đứa trẻ hư”.
Một khi đã bị gán mác “đứa trẻ hư”, những mặt xấu của trẻ sẽ bị chú ý nhiều hơn, còn những mặt tốt thì bị lụ mờ. Điều này khiến trẻ ngày càng cảm thấy khó hòa nhập, và ngày càng thiếu tự tin.
Việc khen ngợi trẻ một cách bừa bãi, ngay cả khi hành vi đó chỉ là ngẫu nhiên, có thể dẫn đến việc trẻ học sai lệch, do đó, chúng ta vẫn cần phải cẩn trọng khi khen ngợi.
Tuy nhiên, đối với trẻ có xu hướng bạo lực, chính những lúc không có vấn đề gì xảy ra là minh chứng cho sự cố gắng của trẻ, hãy chủ động khen ngợi và động viên trẻ. Bằng cách này, bạn đang truyền đạt hình ảnh “đứa trẻ ngoan” đến những người xung quanh, và quan trọng hơn là đến chính bản thân trẻ.
✨ Nếu bạn đang tìm cách hiểu và hỗ trợ tốt hơn cho trẻ tự kỷ, trẻ rối loạn phát triển thì cuốn sách "Cẩm nang giao tiếp và ứng xử với trẻ rối loạn phát triển" chính là người bạn đồng hành không thể thiếu dành cho phụ huynh, giáo viên và người làm công tác trị liệu. Với những ví dụ thực tế, giải pháp cụ thể và ngôn ngữ dễ hiểu, sách giúp bạn tiếp cận trẻ bằng sự thấu cảm và hiệu quả.
📖 Đọc thử và đặt mua cuốn sách này ngay hôm nay để cùng trẻ xây dựng một hành trình phát triển tích cực và bền vững!
Link đọc thử sách: https://drive.google.com/file/d/1f-KhF1BAli7URzBf6PYd3lxVBC8V3_ly/view?usp=sharing