
Bài viết này chia sẻ 12 cách tiết kiệm tiền đơn giản, thực tế và dễ áp dụng dành cho học sinh cấp 1 – được rút ra từ câu chuyện gần gũi, vui nhộn của hai chị em Lan và Bình.
Từ việc tiết kiệm tiền tiêu vặt, không tiêu sạch tiền lì xì cho đến thói quen ghi chép thu – chi và gửi tiết kiệm định kỳ tại ngân hàng, các em sẽ từng bước hình thành tư duy tài chính vững vàng để trở thành những “triệu phú nhí” trong tương lai.
Các em học sinh cấp 1 cùng bố mẹ hãy đọc bài viết để tìm ra cách tiết kiệm tiền phù hợp nhất với mình nhé!
Câu chuyện về cách tiết kiệm tiền cho học sinh tiểu học:
Một ngày nọ, hai chị em Lan và Bình được bố mẹ gọi vào phòng khách.
Bố nói:
– “Hai đứa à, đã đúng một năm kể từ khi nhà mình bắt đầu Dự án trở thành người giàu rồi đó. Hai con có thể cho bố mẹ xem sổ tiết kiệm không?”
Lan liền đưa cuốn sổ tiết kiệm màu hồng xinh xắn ra ngay. Còn Bình thì cứ nắm khư khư, ngại ngùng không dám đưa.
Bố cười hiền:
– “Không sao đâu con. Bố mẹ không định mắng gì đâu. Bố mẹ chỉ muốn biết các con đã làm gì với tiền tiêu vặt của mình thôi, để bố mẹ còn hướng dẫn thêm.”
Và rồi… bất ngờ chưa!
Tài khoản tiết kiệm của Lan có 1 triệu 720 nghìn đồng!
Còn của Bình là 970 nghìn đồng.
Mẹ tròn mắt:
– “Lan ơi, con tiết kiệm giỏi quá! Con làm cách nào mà để dành được vậy?”
Lan vui vẻ đáp:
– “Mỗi tháng con để dành 50 nghìn đồng từ tiền tiêu vặt, chỉ tiêu phần còn lại thôi mẹ. Con cũng không xài tiền mừng tuổi Tết mà bỏ vào heo đất rồi mẹ đem gửi ngân hàng giùm con đó.”
Bình lí nhí:
– “Con cũng có gửi tiền vào tài khoản ngân hàng rồi, nhưng con hay đi chơi với bạn, mua đồ chơi, đồ ăn vặt… nên tiền cứ bay đi lúc nào không biết…”
Bố xoa đầu Bình:
– “Không sao con à. Tiền là của con, nên con có quyền dùng. Nhưng mình học cách tiết kiệm để sau này không phải lo lắng nhiều. Và điều quan trọng là phải để tiền sinh ra thêm tiền!”
Bình ngơ ngác:
– “Tiền sinh tiền á? Giống như sinh em bé hả bố?”
Mọi người cùng cười. Bố nói:
– “Không hẳn vậy, nhưng cũng giống. Bố gọi đó là tiền hạt giống. Mình tiết kiệm một số tiền ban đầu, rồi dùng nó để gửi ngân hàng có lãi, sau đó tiền tự lớn lên đó.”
12 cách tiết kiệm tiền cho học sinh tiểu học
Từ câu chuyện của Lan và Bình ở trên, chúng mình học được những cách tiết kiệm thông minh dành riêng cho học sinh tiểu học nè:
Cách 1. Tiết kiệm từ tiền tiêu vặt mỗi tháng
Mỗi lần ba mẹ cho tiền tiêu vặt, hãy để dành ra một phần nhỏ – ví dụ như 20.000 hoặc 50.000 đồng – bỏ vào heo đất hoặc nhờ ba mẹ gửi ngân hàng.
Các em học sinh cấp 1 hãy bắt đầu tiết kiệm từ tiền tiêu vặt mỗi tháng
Cách 2. Không tiêu hết tiền lì xì
Tết được mừng tuổi, đừng tiêu sạch nhé! Hãy chia ra:
► Một ít để mua thứ mà các em thích
► Còn lại bỏ heo đất hoặc gửi ngân hàng – Số tiền này sẽ lớn lên theo thời gian!
Cách 3. Ghi rõ mục tiêu tiết kiệm
Ví dụ: “Mình sẽ tiết kiệm được 3 triệu đồng để mua xe đạp mới!” – Dán mục tiêu lên bàn học để luôn nhớ mình đang cố gắng vì điều gì.
Cách 4. Gửi tiền tiết kiệm theo kiểu “định kỳ”
Nếu tiết kiệm được số tiền lớn (ví dụ 1 triệu đồng trở lên), các em có thể nhờ bố mẹ gửi vào tài khoản tiết kiệm định kỳ. Như vậy, mỗi tháng tiền sẽ có thêm "lãi" – giống như quà tặng của ngân hàng.
Cách 5. Lập sổ ghi chép thu – chi
Các em hãy ghi rõ ràng: Hôm nay nhận được bao nhiêu tiền? Mua những thứ gì? Hết bao nhiêu tiền? Sau đó hãy viết ngay sau khi tiêu những khoản tiền trên vào sổ ghi chép thu - chi để không bị quên.
Ví dụ: Từ nay, mỗi lần có tiền vào – như tiền tiêu vặt, tiền mừng tuổi, các em sẽ ghi vào mục thu nhập. Mỗi lần mua gì – ghi vào mục chi tiêu.
Lập sổ ghi chép thu - chi để kiểm soát tiền thu vào, tiền chi ra các em nhé!
Cách 6. So sánh tiền thu vào và tiền chi ra
Nếu mỗi tháng các em thu vào được 100.000 đồng mà tiêu hết 120.000 đồng thì có nghĩa là mình đang bị… lỗ! Nếu tình trạng này xảy ra, các em phải cố gắng làm sao để chi tiêu ít hơn tiền thu vào.
Ví dụ: Các em có thể giảm bớt các khoản tiền chi ra để có thêm tiền tiết kiệm bằng cách bớt ăn vặt, hay đổi đi công viên giải trí thành đạp xe ở công viên gần nhà.
Cách 7. Xem lại và điều chỉnh các khoản chi
Khi số tiền tiết kiệm không đạt được như mục tiêu mà ban đầu các em đề ra thì các em cần xem lại những điều sau:
► Mình có đang mua những thứ không thật sự cần không?
► Có cách nào để tiết kiệm được tiền mà vẫn vui không? (ví dụ chơi trò chơi miễn phí, ăn quà vặt tự làm ở nhà...)
Cách 8. Tiết kiệm trước, chi tiêu sau
Đừng chờ dư tiền rồi mới tiết kiệm, vì… sẽ chẳng bao giờ dư đâu! Nhận được tiền tiêu vặt là các em phải chia ngay phần để tiết kiệm trước. Còn lại mới được dùng để mua đồ chơi, ăn vặt. Có như thế thì mới có thể tiết kiệm được tiền nhé!
Ví dụ: Nếu mỗi tháng các em nhận được 100.000 đồng tiền tiêu vặt thì phải để ra 30.000 đồng để tiết kiệm trước rồi sau đó tính toán để tiêu mọi thứ trong khoản 70.000 đồng còn lại thôi.
Để dễ dàng tiết kiệm trước, chi tiêu sau, các em hãy viết nó thật to và rõ ràng vào một tờ giấy màu, trang trí ngôi sao lấp lánh rồi dán ngay cạnh bàn học để có thể nhìn thấy và ghi nhớ mỗi ngày.
Hãy luôn nhắc nhở bản thân mình rằng: "Tôi sẽ tiết kiệm trước"
Cách 9. Lập kế hoạch rõ ràng, vừa sức
Các em không cần tiết kiệm quá nhiều bởi vì mình vẫn cần phải chi tiêu cho các nhu cầu và sở thích của mình, miễn là đều đặn mỗi tháng.
Ví dụ:
► Mỗi tháng các em tiết kiệm được 30.000 đồng
► Tiền mừng tuổi hoặc tiền thưởng: Tiết kiệm 1 nửa, tiêu 1 nửa.
Cách 10. Giữ gìn đồ đạc như giữ vàng
Tiết kiệm không chỉ là giữ tiền, mà còn là tránh làm hư đồ, bởi vì bớt làm mất đồ, tức là bớt tốn tiền mua lại.
Những việc các em có thể làm ngay để giữ gìn đồ đạc của mình:
► Dán tên lên cặp, hộp bút, sách vở và đồ dùng học tập… để khỏi mất.
► Dùng xong đồ là cất vào đúng chỗ.
► Không làm rơi vỡ, không để quên đồ đạc ở những nơi mà mình đi đến.
Cách 11. Tôn trọng từng đồng tiền nhỏ
Tiền 1.000 đồng, 2.000 đồng cũng là tiền!
Nếu tiêu lung tung mấy khoản nhỏ – kẹo mút, nước ngọt, đồ chơi nhỏ – thì chẳng mấy chốc… khoản tiền lớn cũng sẽ bốc hơi.
Ví dụ: Các em tiêu 5.000 đồng mỗi ngày là 150.000 đồng một tháng! Nếu như chỉ được cho 100.000 đồng tiền tiêu vặt mỗi tháng thì tháng này các em đã bị “lỗ” mất 50.000 đồng rồi đó.
Bí quyết là các em hãy gom thật nhiều các khoản tiền nhỏ rồi sẽ có ngày các em sở hữu một cục tiền to nhé!
Cách 12. Tiết kiệm trong ngân hàng thay vì trong con heo đất
Câu chuyện về thói quen tiết kiệm tiền trong con heo đất:
Một buổi chiều nọ, sau khi hai chị em Lan và Bình dán quy tắc tiết kiệm lên tường, Lan nhìn thấy chú heo đất màu vàng cam quen thuộc nằm trên kệ sách. Tự dưng bạn ấy khựng lại:
– “Ơ, sao mình cứ để tiền trong heo đất mãi nhỉ? Mình có tài khoản ngân hàng rồi cơ mà!”
Bạn ấy bật dậy, chạy sang phòng em:
– “Bình ơi! Mình đem tiền trong heo đất ra ngân hàng gửi nha! Để đó hoài, tiền nằm không chán lắm!”
Hai chị em hí hửng ngồi xuống đếm tiền:
Lan có 70.000 đồng
Bình có 60.000 đồng
Toàn là tiền lẻ, từ tờ 1.000 đồng đến cả mấy đồng 500 đồng mà mẹ cho để “làm vốn” từ mấy năm trước!
🏦 Và thế là... heo đất chính thức “về hưu”
Chiều hôm đó, mẹ dắt hai chị em ra ngân hàng gửi tiền.
Mẹ mỉm cười:
– “Giỏi lắm! Gửi ngân hàng là quyết định thông minh. Tiền để trong heo đất không sinh lời, lại còn... mất giá mỗi năm đấy!”
Bình thắc mắc:
– “Ơ... mất giá là sao hả mẹ? Tiền vẫn là tiền mà?”
Mẹ giảng giải:
– “Giả sử năm 2015 con có 20.000 đồng – đủ mua 2 ly trà sữa. Nhưng đến năm 2025, cùng số tiền đó chỉ mua được… 1 ly thôi.”
– “Vì sao ạ?”
– “Vì giá cả tăng lên – người ta gọi là lạm phát. Nhưng nếu con gửi vào ngân hàng, con sẽ nhận được lãi suất – tức là mỗi năm ngân hàng trả thêm tiền cho con vì đã gửi tiền ở đó.”
Bài học từ chuyện heo đất nghỉ hưu:
Từ câu chuyện của Lan – Bình, chúng ta rút ra mấy bài học cực kỳ bổ ích:
+ Heo đất chỉ là bước khởi đầu
Heo đất giúp bạn hình thành thói quen tiết kiệm, nhưng không thể giữ tiền mãi mãi.
Sau một thời gian, hãy đập heo và gửi vào ngân hàng để tiền “làm việc” giúp bạn.
Chỉ nên dùng heo đất để tiết kiệm số tiền ban đầu thôi nhé các em!
+ Ngân hàng giúp bạn theo dõi tiền
Gửi tiền vào ngân hàng, bạn sẽ thấy rõ:
► Đã tiết kiệm bao nhiêu?
► Ngày nào gửi vào, ngày nào rút ra
► Có lãi bao nhiêu?
Giống như có một “trợ lý tài chính” theo dõi từng đồng của bạn!
Ngân hàng giống như một người hỗ trợ các em kiểm soát các khoản tiền thu vào - chi ra vậy
+ Tiền không sinh lời = Tiền mất giá
► 10.000 đồng hôm nay chưa chắc sẽ mua được thứ tương tự sau 5 năm nữa.
► Nếu không gửi vào nơi có lãi suất, tiền bạn sẽ âm thầm “bốc hơi”.
Gợi ý cho bạn nhỏ muốn tiết kiệm giỏi hơn
🐷 Giai đoạn 1: Bỏ heo đất → tập tiết kiệm.
🏦 Giai đoạn 2: Đập heo → gửi vào ngân hàng (nếu đủ từ 50.000–100.000 đồng trở lên).
📊 Giai đoạn 3: Nhờ ba mẹ kiểm tra sổ tiết kiệm mỗi tháng để xem tiền đã sinh lời chưa.
Bạn muốn các bé học sinh cấp 1 nhà mình biết tiết kiệm, hiểu giá trị của tiền và trở nên tự lập tài chính ngay từ nhỏ? Hãy bắt đầu bằng một cuốn sách nhỏ nhưng mang đến bài học lớn – "Đồng tiền vận hành ra sao? 5 bước hình thành tư duy tài chính cho trẻ" do Unibooks phát hành.
Từng câu chuyện đáng yêu, gần gũi trong sách giúp trẻ không chỉ học cách tiết kiệm thông minh, mà còn biết lập kế hoạch, đặt mục tiêu, và sử dụng tiền đúng cách. Phụ huynh cũng sẽ tìm thấy những gợi ý thực tế để đồng hành cùng con trên hành trình xây dựng tư duy tài chính sớm.
👉 Đọc thử sách tại đây!